Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Địa Điểm Hot Hot - Địa điểm tham quan ở Nghệ An


1. Đền Cờn

Vị trí: Làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 75km về phía bắc, cách Hà Nội khoảng 220km về phía nam.

Đây là ngôi đền linh thiêng nhất trong 4 ngôi đền thiêng ở tỉnh Nghệ An: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.

Với thế cận biển, liền sông, gần đường, sát núi, phong cảnh ở Đền Cờn giống như một bức tranh thủy mặc mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Nghệ An.

Di tích Đền Cờn gồm có hai đền: Đền Cờn Trong và Đền Cờn Ngoài.
Đền Cờn Trong nằm trên gò Diệc, hướng mặt ra dòng Mai Giang thơ mộng, thờ Tứ vị Thánh nương Nam Hải Đại càn quốc gia. Theo thần phả tại đền và một số tài liệu lịch sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Tứ vị Thánh nương Nam Hải Đại càn quốc gia là bà Thái hậu Dương Nguyệt Quả, 2 công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương (con vua Tống Độ Tông) và bà nhũ mẫu (Trung Quốc). Năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), do quân Tống thất bại trong trận chiến Tống - Nguyên, Vua Tống Đế Bính cùng quan quân nhảy xuống biển tự vẫn. Thái hậu và 2 công chúa vì thương tiếc nhà Vua cũng nhảy xuống biển tự vẫn theo, thân xác trôi dạt đến cửa Cờn (Nghệ An). Người dân nơi đây đã vớt lên chôn cất và thờ tại Đền Cờn.

Theo sách địa lý - phong thổ, ngôi Đền này  có thế đứng giống đầu chim phượng hoàng với hai cánh phượng là hai đồi cát nhô cao giăng dài nằm ngay phía sau đền, hai mắt phượng là giếng Đò, giếng Đình nằm trên hai ngọn đồi này.

Đền Cờn Trong được xây dựng vào thời Trần, phát triển quy mô lớn ở thời Lê, trùng tu nhiều ở thời Nguyễn, bởi vậy, di tích mang đậm phong cách văn hóa cuối Lê đầu Nguyễn. Trải qua thời gian, ngôi Đền hiện chỉ còn tòa Nghi môn, Chính điện, Trung điện, Hạ điện và tòa ca vũ.

Qua cổng Đền vào sân, bước lên 10 bậc đá sẽ tới tòa Nghi môn. Đây là một tòa nhà hình chữ công bề thế, gồm có hai tầng, 8 mái, liền tiếp sau nó là Chính điện, Trung điện và Hạ điện.

Toà ca vũ với ba gian chính và hai gian phụ cũng to rộng, bề thế, có đề tài trang trí đa dạng.

Quy mô Đền Cờn Trong tuy không lớn, nhưng hội tụ nhiều nét văn hoá đặc sắc, từ vật liệu xây dựng Đền cho đến các đường nét chạm khắc, tạo hình… Tất cả cho thấy trình độ tay nghề điêu luyện của người xưa. Tại đây còn lưu giữ 142 hiện vật quý giá. Ngoài các loại bằng sắc, câu đối, đại tự, đồ tế khí: kiệu, tàn lọng, đồ ngà, đồng…, còn có bia đá 2 mặt cao 1,6m, rộng 1,2m dựng năm 1665, chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng (1752) nặng 300 kg, 28 pho tượng đá và nhiều tượng gỗ thời Lê.

Đền Cờn Ngoài nằm cách Đền Cờn Trong khoảng 1km, tọa lạc trên dãy núi Hùng Vương, sát cửa biển Lạch Cờn. Đền gồm 3 tòa bố cục theo kiểu chữ Tam, thờ vua quan nhà Tống (Trung Quốc): Tống Đế Bính, Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu. Các vị thần này trước được phối thờ ở Đền Cờn trong, song do quan niệm nho giáo nam nữ bất đồng cung nên đến thời Lê được xây dựng đền thờ riêng.

Đền Cờn xưa nay nổi tiếng linh ứng. Năm Hưng Long thứ 19 (1311), Vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành, khi đến cửa Cờn, nhà Vua cùng quân lính dừng lại nghỉ ngơi. Ban đêm nhà Vua mộng thấy nữ thần hiện lên và xin giúp nhà vua lập công đánh giặc. Sáng hôm sau, nhà Vua cho vời các bô lão trong vùng đến hỏi mới rõ sự tích. Nhà Vua liền vào đền kính tế. Khi ra quân, Vua kéo quân đến thẳng thành Chà Bàn đánh thắng lớn. Khi trở về kinh đô, nhà Vua làm lễ và phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương”, ban vàng bạc và cho xây dựng mở rộng Đền.

Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đánh dẹp phương nam cũng dừng chân tại cửa Cờn và vào Đền làm lễ cầu đào. Do Tứ vị Thánh Nương hiển linh phù trợ, nhà Vua đã đánh thắng giặc. Sau khi trở về, Vua ban cấp tiền bạc xây dựng đền và phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh hương thượng thượng đẳng thần Ngọc bệ hạ”, ghi nhận công đức Thánh Mẫu giúp nước, giúp dân. Sang thế kỷ 18, vua Quang Trung đã ban sắc phong với mỹ tự “Hàm hoằng quảng đại” (tức là công lao rộng khắp, to lớn) và “Hàm chương tiết liệt”(nghĩa là nêu gương tiết liệt cho muôn đời).

Từ đó về sau, người dân vùng biển mỗi khi ra khơi, nếu thành tâm vào Đền cầu khấn thì đều được bình an.

Đền Cờn – công trình kiến trúc cổ với nhiều mảng chạm khắc quanh đề tài “Tứ linh, tứ quý”, đã trở thành trung tâm tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng không chỉ của người dân vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) mà còn là của người dân trên mọi miền tổ quốc.

Lễ hội đền Cờn diễn ra từ ngày 19 - 21/1 âm lịch hàng năm là dịp để người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến Đền chiêm bái và tưởng nhớ công ơn của Tứ vị Thánh Nương. Với các hoạt động như: chạy ói, diễn trận thủy chiến giả gắn với truyền thuyết dựng đền, đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, chầu văn…, chắc chắn sẽ đem lại nhiều điều thú vị cho du khách.

Ngày 29/1/1993, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có quyết định số 68/QĐ-BVHTT công nhận Đền Cờn là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

2. Đền chín gian

Vị trí: Đền chín gian tọa lạc trên đỉnh Pú Pỏm (cao gần 200m), thuộc địa phận Mường Tôn xưa, nay là 2 xã Châu Kim và Mường Noọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Đến đây, du khách sẽ hiểu thêm về tín ngưỡng và lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc - Nghệ An.

Đền chín gian được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 14, theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ.

Ban đầu, ngôi đền được thiết kế theo kiểu nhà sàn cột gỗ lợp tranh và có 9 gian - tượng trưng cho 9 mường trong vùng. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền đã bị xuống cấp nhiều.


Cho đến nay, ngôi đền đã được trùng tu hai lần: Lần 1 vào năm Đinh Mão (1927). Lần 2 vào năm 2004. Hiện ngôi đền đã được trùng tu theo lối kiến trúc cũ nhưng nguyên vật liệu xây dựng ngôi đền bây giờ không phải bằng gỗ mà bằng xi măng, cốt thép.

Theo tín ngưỡng dân tộc Thái, gian chính giữa của ngôi đền là thờ cúng Then Pà (Ngọc Hoàng), Náng Xỉ Đà (con gái của Ngọc hoàng) và Tạo Ló Ỳ - người đầu tiên tạo lập ra Mường Tôn xưa. Tám gian còn lại thờ 8 vị có công khai mở ra 8 mường trước tiên.


Từ năm 2006, người dân trong vùng cùng nhau tổ chức Lễ hội Đền chín gian. Tại Lễ hội Đền chín gian 2009 (diễn ra từ ngày 9 - 11/3/2009), UBND 2 xã Châu Kim và Mường Noọc đã long trọng đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử, văn hóa Đền chín gian là di tích cấp tỉnh.

3. Đền Cuông

Vị trí: Đền Cuông nằm ở núi Mộ Dạ, thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cách Tp. Vinh khoảng 30km về phía bắc.

Đây là ngôi đền thiêng, thờ Thục An Dương Vương – vua của nước Âu Lạc (250 – 208 trước Công nguyên).

Từ Tp. Vinh, theo quốc lộ 1A khoảng 30km về phía bắc sẽ tới Đền Cuông.

Tương truyền, sau khi được Thần Kim Quy giúp xây thành và làm nỏ thần, Thục An Dương Vương hoàn toàn mất cảnh giác và đã mắc mưu của Triệu Đà. Năm 208, sau khi chiếm được nỏ thần, Triệu Đà đã cho quân tấn công bất ngờ nước Âu Lạc, Thục An Dương Vương thất thế phải rút lui về phương nam, khi đến biển Cửa Hiền (ở phía bắc chân núi Mộ Dạ) đã được Thần Kim Quy đón về với Thủy Thần.

Để tưởng nhớ Thục An Dương Vương, sau khi ông mất, nhân dân vùng này đã lập miếu thờ ông ở Cửa Hiền. Dù đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, trên sườn núi Mộ Dạ xuất hiện đốm lửa lập loè, người dân ở đây nghĩ rằng đó chính là linh hồn của Thục An Dương Vương nên họ đã lập đền thờ ông tại đây và gọi là Đền Cuông.


Ngôi đền được gọi là Đền Cuông nhưng ngụ ý nói Đền Công, vì Công theo tiếng Nghệ An nghĩa là Cuông. Tương truyền, khu vực núi Mộ Dạ xưa có nhiều chim công sinh sống, thế Núi Mộ Dạ trông xa giống hình một con chim công (hoặc con hạc) khổng lồ đang múa, đầu chim chính là nơi Đền Cuông tọa lạc.

Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào xác định chính xác thời điểm khởi dựng Đền Cuông. Tuy nhiên, dưới thời nhà Nguyễn, Đền đã được trùng tu nhiều lần, đặc biệt vào năm Giáp Tý (1864), vua Tự Đức ban sắc chỉ xây dựng lại Đền với quy mô như ngày nay.

Đền Cuông là một công trình kiến trúc đẹp, vững chắc, phù hợp với điều kiện thiên nhiên ở miền Trung, xung quanh có trồng nhiều cây xanh đan xen. Đền có kiến trúc theo kiểu chữ Tam, bao gồm tam quan, ba tòa Thượng, Trung và Hạ điện.


Tam quan đồ sộ, có 3 cửa vào: cửa giữa có ba tầng, hai cửa bên có hai tầng, các cửa này đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn.

Tòa Thượng điện – nơi đặt ban thờ Thục An Dương Vương và tòa Hạ điện đều có kiến trúc kiểu chồng diêm 4 mái, đầu đao cong vút. Riêng tòa Trung điện – nơi đặt ban thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua Thục chế tác nỏ thần, được kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái. Các công trình đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chắc nhưng không thô vì các chi tiết, hoa văn được đắp, chạm tinh tế, toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát.

Đền Cuông còn có nhiều di vật quý: trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí… Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu nhắc nhở con cháu, muôn dân luôn nhớ ân đức vua Thục An Dương Vương.


Lễ hội đền Cuông diễn ra từ ngày 14 - 16/2 âm lịch hàng năm là dịp để người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến Đền chiêm bái và tưởng nhớ công ơn Thục An Dương Vương. Với các hoạt động như: tế thần, rước kiệu thần, hát ví, hát phường vải, hát tuồng, chèo, đốt pháo bông, thả đèn hoa…. chắc chắn sẽ đem lại nhiều điều thú vị cho du khách.

4. Đền Hồng Sơn

Vị trí: Đền Hồng Sơn toạ lạc trên mảnh đất đẹp, trên đường Hồng Sơn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đền được xây dựng năm 1839, thờ Quan Vân Trường. Đền đã được trùng tu nhiều lần.

Hiện tại có 19 hạng mục kiến trúc khá hoàn hảo: tường rào; cổng hồ bán nguyệt; tam quan bắc môn; nhà bia; trụ biểu; sân ngự uyển; gác chuông; lầu trống; tháp miếu; tả vu; hữu vu; 2 cung hậu hiền và hạ hiền; hạ điện; sân giữa; trung và thượng điện. Trong đền còn lưu giữ 383 hiện vật quý như tượng, câu đối, chuông, bia đá…

Đền Hồng Sơn là một trong số công trình kiến trúc nghệ thuật và là chốn linh thiêng quý hiếm còn lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

5. Đền Quả Sơn

Vị trí: Đền Quả Sơn nằm tại chân núi Quả, bên bờ sông Lam, thuộc địa phận làng Miếu Đường, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh hơn 70km về phía tây bắc.

Đây là ngôi đền thiêng thứ hai trong 4 ngôi đền thiêng ở tỉnh Nghệ An: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.

Từ Tp. Vinh, theo quốc lộ 46 (hướng Tp. Vinh – trị trấn Đô Lương) khoảng 54km sẽ tới thị trấn Đô Lương, ngược lên phía bắc theo đường 15 khoảng 3km, rẽ trái khoảng 2km sẽ tới Đền Quả Sơn.

Theo thần phả tại Đền Quả Sơn, Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ.

Trong suốt những năm giữ chức Tri Châu Nghệ An, với tài kinh bang tế thế, tầm nhìn chiến lược và những chủ trương đúng đắn, Lý Nhật Quang đã đề ra những chính sách tiến bộ để phát triển sản xuất, mở rộng giao thương, bảo vệ trật tự trị an, giữ yên bờ cõi, đặc biệt làm cho Nghệ An trở thành vùng đất hậu thuẫn vững chắc cho các triều đại về sau.

Với công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, trên phương diện tâm linh, sau khi ông mất (1057), người dân Nghệ An đã lập nhiều ngôi đền thờ phụng ông, trong đó Đền Quả Sơn là Đền chính.


Đền Quả Sơn – một công trình kiến trúc cổ, đồ sộ bao gồm nhiều hạng mục, điển hình như: tòa nhà hình chữ công gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện nối liên tiếp với nhau – thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tả vu thờ Đông Chinh Vương Lý Lực, Hữu vu thờ Dực Thánh Vương, phần mộ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, nhà bia, nhà ngựa và ông ngựa…

Tại đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý liên quan đến nhà Lý: di tượng cổ độc bản về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang làm bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng, mặc áo bào bằng lụa vàng, long ngai, tế khí, ngói mũi hài với kích thước 20 x 30cm, gạch bằng đất nung, hoạ tiết, hoa văn trang trí bằng vật liệu nhẹ và cứng, lư hương đồng, mũ đồng, loa cổ bằng gỗ và bằng đồng, tượng đồng Chăm Pa, khay đựng trầu bằng đồng, cột gỗ, tảng đá làm chân cột…

Vào thời Lê, Lễ hội Đền Quả Sơn đã được đánh giá là một lễ hội uy nghi, hoành tráng nhất tỉnh Nghệ An. Trải qua thời gian, Lễ hội đã bị gián đoạn. Từ năm 1998 đến nay, được sự giúp đỡ của Đảng bộ, Chính quyền Nghệ An, nhân dân huyện Đô Lương long trọng tổ chức Lễ hội Đền Quả Sơn từ ngày 19 - 21/1 âm lịch. Đây là hoạt động nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn vinh công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hoá dân gian truyền thống, đồng thời, là dịp để nhân dân cả nước vui chơi, giải trí, mở rộng giao lưu và thoả mãn nhu cầu tâm linh.

Đền Quả Sơn được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1998.

6. Động Nang Ni

Vị trí: Động Nang Ni thuộc địa phận xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, cách Tp Vinh khoảng 140km về phía tây bắc.

Đây là nơi ghi lại giây phút chia tay của chàng Khủn Tinh và nàng vượn Nang Ni. Nhờ có cuộc chia tay không thành này mà khung cảnh nơi đây mãi mãi mang dáng vẻ tươi trẻ của mùa xuân.

Mỗi mùa xuân về, trên các bản làng của đồng bào Thái ở Quỳ Hợp lại vang lên tiếng hát nhuôn, suối; đây đó người ta sẽ xen vào một vài đoạn hát “nhuôn” được lấy trong truyện thơ “Lai Khủn Tưởng - Khủn Tinh”:

“Phạ khảy chiểng lồ má pỉ mờ. Bọc phờ ma phăng nặm hương hừa pú phả”

Tạm dịch: Mở trời xuân, cõi xinh tươi. Hoa thơm muôn sắc trải ngời non xanh.

Sau khi đọc xong truyện thơ “Lai Khủn Tưởng - Khủn Tinh”, ai cũng thấy chuyện tình của Khủn Tinh và nàng vượn Nang Ni vô cùng xúc động.  Vì yêu Khủn Tinh, Nang Ni đã theo chàng về nhà chung sống nhưng sau đó bị mắc mưu hai người vợ trước của Khủn Tinh, Nang Ni đã phải bế con bỏ chạy lên núi đá trú ẩn. Khủn Tinh vì yêu thương hai mẹ con Nang Ni, nên chàng đã chạy theo nàng lên núi đá. Tuy nhiên, giây phút hạnh phúc, vui vẻ giữa Khủn Tinh và Nang Ni cùng con trai bé bỏng chưa được bao lâu thì Khủn Tinh lại bị hai người vợ trước đến bắt về nhà. Giây phút chia tay, lưu luyến của hai người đã làm cho mọi vật xung quanh trở nên tĩnh lặng: gió như ngừng thổi, cây như ngừng reo và chim chóc như không còn tiếng hót và giây phút chia tay ấy đã làm nên cả một sự tích kỳ diệu: Cả gia đình họ đã hóa đá như thể mãi mãi thuộc về nhau, không dời.

Động Nang Ni nằm trong quần thể ba hang động đẹp của khu vực lễ hội Mường Ham. Vì nằm ở vị trí cao nhất, cho nên đường đến động Nang Ni khá xa, phải leo dốc khoảng 200m du khách mới lên tới động.

Để vào trong động, du khách phải qua một cái cửa khá hẹp - cửa động. Tiếp đó, du khách sẽ đi vòng vèo một đoạn đường sáng tối đan xen, du khách sẽ tới lòng động. Cảnh sắc trong lòng động được chiếu sáng nhờ hai cửa thông lên trần. Tại đây, du khách sẽ thấy các dải nhũ đá rủ xuống giống như các bức rèm, bức mành. Ngoài ra, còn có một số hình khối mang dáng dấp của chim chóc, muông thú…

Điều ấn tượng nhất đối với du khách ở đây là các hình khối bằng đá mang hình tượng của Khủn Tinh, Nang Ni và con trai bé bỏng của họ. Họ quay vào nhau, nhìn nhau không dời, trên tay Nang Ni vẫn còn ôm cậu con trai yêu quý. Dường như họ chưa kịp nói với nhau câu gì, vẫn còn rất lưu luyến… thì tất cả đã hóa đá. Ngay cạnh các khối đá ghi lại cảnh chia tay của hai vợ chồng là một hốc đá ăn sâu vào vách động, trông tựa như gian thờ cúng (chong hòng) trong ngôi nhà sàn của người Thái vùng tây bắc Nghệ An.

Nếu có dịp đến huyện Quỳ Hợp, mời du khách ghé thăm động Nang Ni. Tới đây, du khách vừa có dịp được thư giãn trong không gian bao la, rộng lớn của núi rừng vừa có dịp được biết về câu chuyện tình cảm động giữa Khủn Tinh và nàng vượn Nang Ni xinh đẹp.

7. Bãi biển Cửa Lò

Vị trí: Bãi biển Cửa Lò thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An; cách thành phố Vinh 18km.

Bãi biển rộng dài, một trong những bãi tắm đẹp nhất nước, nằm giữa quần thể du lịch - văn hóa xứ Nghệ. Ở đây có nguồn hải sản phong phú, đặc biệt có mực nhảy và mực câu nổi tiếng cả nước.

Theo đường ôtô từ Hà Nội vào Vinh, có thể đến Cửa Lò bằng ba con đường: đường Núi Cấm, đường thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc) và đường Quán Bánh. Nhưng ngắn nhất, thuận tiện nhất là đi theo đường rẽ tại khu vực núi Cấm (huyện Nghi Lộc), đường vừa mở, bên núi bên biển, xe chạy khoảng 30 phút.

Từ phía nam xe qua cầu Bến Thủy nên vòng qua Đại học Vinh, xuống Hưng Dũng đi tắt đường Cửa Hội. Đoạn đường này “tiết kiệm” được gần 10km cho khách đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị hoặc các tỉnh phía nam xa hơn.

Cửa Lò nằm giữa quần thể du lịch - văn hóa xứ Nghệ và đang tiến dần đến “công nghiệp du lịch” nhưng thị xã biển này vẫn giữ được nhiều nét “hoang sơ”. Nơi tiếp giáp Cửa Hội, Cửa Lò đang hình thành khu du lịch sinh thái.


Với bãi tắm rộng dài hơn 10km, dọc đường Bình Minh (con đường rộng, thoáng nhất thị xã) được bao quanh bởi rừng phi lao bạt ngàn, rừng cây vừa chắn cát, vừa là điểm dạo chơi lý thú.

Sông Lam đổ ra Cửa Hội, dòng chảy mạnh ra biển Đông theo hải lưu hướng về phía nam mang theo bao phù sa để biển Cửa Lò quanh năm trong xanh, nước biển trong vắt nhìn thấy cát, nước biển Cửa Lò không mặn chát mà vừa phải. Mùa hè, cũng là lúc gió tây nam vượt Trường Sơn đổ về, buổi sáng gió tây nam đìu hiu ru sóng biển dập dìu; chiều muộn, trước khi hoàng hôn buông xuống thì cũng là lúc gió tây ngừng thổi nhường chỗ cho gió nồm.

Trong một ngày, Cửa Lò đón hai luồng gió, với hai cảm giác khác nhau. Đến Cửa Lò du khách còn được thưởng thức các loại hải sản cua, ghẹ mực với giá bình dân.


8. Hang Bua

 Vị trí: Hang Bua thuộc địa phận xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

Đến đây, du khách sẽ có dịp được ngắm nhìn cảnh đẹp kỳ thú và tham dự Lễ hội Hang Bua.

Từ Tp Vinh, du khách theo tuyến quốc lộ 1A - 48 khoảng 168km về phía tây bắc, du khách sẽ tới xã Châu Tiến. Sau đó rẽ phải và đi tiếp khoảng 2km nữa, du khách sẽ tới Hang Bua.

Dãy núi đá vôi Phà Én nằm ở phía bắc dãy Trường Sơn, có nhiều hang động được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng, trong đó có Hang Bua.


Hang Bua có diện tích khá rộng và được kiến tạo rất kỳ lạ, bởi vậy khi đến đây, du khách sẽ bắt gặp những hình thù bằng đá khá sinh động như: ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, cây cổ thụ, bồ đựng lúa, giường công chúa, chậu nước, ruộng bậc thang, tượng phật, chim chóc… Ngoài ra, còn có nhiều dụng cụ sinh hoạt của đồng bào Thái như: cái liềm, lưỡi hái…

Theo sử sách ghi lại, vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã từng đến vãn cảnh Hang Bua.

Hàng năm, cứ vào ngày 21, 22 và 23 tháng Giêng âm lịch, tại đây diễn ra Lễ hội Hang Bua. Lễ hội quy tụ đông đảo bà con đồng bào dân tộc các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông. Những hoạt động đặc sắc trong Lễ hội như: thi người đẹp vùng sơn cước, nhảy sạp, thổi khèn, bắn nỏ, ném còn… luôn đem lại không khí tươi vui, sôi nổi cho ngày hội.

Năm 1997, Hang Bua được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.

9. Hang Thẩm Ồm

Vị trí: Hang nằm ở địa phận huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

Đây là một hang đẹp được thiên nhiên kiến tạo rất đa dạng.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều hiện vật minh chứng được người Việt cổ đã từng sinh sống ở đây. Hiện nay hang Thẩm Ồm còn nhiều nét hoang sơ, đang tiếp tục được tu tạo để đón khách du lịch.

10. Khu du lịch núi Quyết

Vị trí: Khu du lịch núi Quyết nằm ở chân núi Quyết, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Trên đường vào Nam ra Bắc qua phà Bến Thuỷ, nhìn về phía tây, có một dãy núi nhỏ, đó là rú Quyết ngút ngàn thông reo và trở thành lâm viên núi Quyết, một điểm du lịch kiểu mới của tỉnh Nghệ An.


Khu du lịch núi Quyết có diện tích gần 160ha (diện tích núi 56ha) gồm nhiều tiểu khu: khách sạn nhà nghỉ ở phía tây nam, nhìn ra bờ sông Lam là các khách sạn nhà nghỉ theo kiểu biệt thự mini và làng văn hoá dân tộc; tiểu khu vui chơi giải trí gồm bể bơi, cầu trượt nước, thuỷ cung, nhà hát múa rối nước, rạp chiếu phim, khu cắm trại, sân bãi thể thao, đặc biệt là cáp treo du lịch qua sông Lam nối hai vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh; tiểu khu dịch vụ gồm siêu thị, nhà thuyền, bãi đỗ xe…; tiểu khu di tích thành cổ, nhà bia…


Năm 1998, là năm kỷ niệm 210 năm Phượng Hoàng Trung Đô Vinh, thành phố đã hoàn thành hệ thống đường bao quanh núi dài 5km, kỳ đài trên đỉnh núi và nhà bia dẫn tích. Núi Quyết vốn có thế “long ly quy phượng” nhưng thật sự có vị trí nổi bật khi Quang Trung - Nguyễn Huệ chọn làm đất đóng đô: “nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, quả cung đã từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường (núi Quyết - Bến Thuỷ) hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng… thật là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy…” (trích trong chiếu của Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ngày 3 tháng 9 năm Thái Đức 11, tức 1/10/1788).

Nguyễn Huệ đã cho xây thành, dựng lầu điện tại đây. Phượng Hoàng Trung Đô được xây ở khoảng giữa núi Quyết và núi Kỳ Lân (rú Mèo), nay còn dấu tích của thành hình tam giác. Đó là thành nội, chu vi 1.680m giữa có lầu rồng ba tầng. Thành ngoại cấu tạo hình thang, chu vi 2.820m. Từ trên thành có thể nhìn thấy sông Lam, sông Vĩnh Doanh và kênh nhà Lê uốn lượn giữa cánh đồng Hưng Nguyên, Nam Đàn trải rộng. Hướng về phía đông có thể dõi về hòn Ngư, hòn Mát, cận kề với tám cảnh đẹp của Nghi Xuân (Nghi Xuân bát cảnh). Từ chân núi Quyết, du khách có thể đi thuyền xuôi sông Lam đến bãi chim Hưng Hoà, len lỏi trong rừng nguyên sinh hoặc ngược dòng sông La, con sông của niềm thương nỗi nhớ để đến với Hương Sơn, Đức Thọ…

11. Khu du lịch hồ Cửa Nam

Vị trí: Nằm cách trung tâm thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An gần 1km.

Khu du lịch hồ Cửa Nam có diện tích 14ha, phía bắc khu du lịch là quốc lộ 46, phía tây là hệ thống ao hồ, phía nam là sông Cửa Tiền tạo ra một không gian thoáng mát, hấp dẫn, thơ mộng.

Khu du lịch hồ Cửa Nam bao gồm nhiều khu vui chơi giải trí như: khu vui chơi giải trí thiếu nhi, khu nhà bát giác, bến du thuyền, nhà hàng thuỷ tạ, cụm công viên sinh vật cảnh, sân chơi thể thao, bể bơi, công viên nước thu nhỏ, khu nhà nghỉ cuối tuần…

Tại khu nhà nổi Hoa Sen, bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn Âu, Á và các món ăn đặc sản của Nghệ An với giá cả từ bình dân đến cao cấp.

Ðể tận hưởng không khí trong lành, bạn có thể thuê du thuyền thưởng ngoạn trên hồ Cửa Nam (diện tích khoảng 10ha), bạn có thể mang theo cần câu để tham gia loại hình câu cá giải trí trên mặt hồ rộng lớn này.

Khu du lịch hồ Cửa Nam đang được mở rộng cả về diện tích và qui mô để đến khi khu du lịch Lâm Viên Núi Quyết cách đó không xa được hoàn thành sẽ tạo nên một quần thể du lịch hấp dẫn… Khi đó nơi đây có thể tổ chức các cuộc đua thuyền, các buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ trên thuyền, nhiều loại hình dịch vụ, vui chơi liên hoàn từ Lâm Viên Núi Quyết đến hồ Cửa Nam và ngược lại.

12. Khu du lịch sinh thái biển Bãi Lữ

Vị trí: Khu du lịch sinh thái biển Bãi Lữ thuộc địa phận hai xã Nghi Yên và Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), cách Tp. Vinh khoảng 20km đường bộ về phía bắc, cách quốc lộ 1A khoảng 4km.

Đây là nơi lý tưởng để du khách có thể nghỉ ngơi, thư giãn trong không khí trong lành, mát mẻ của thiên nhiên.

Bãi Lữ hay còn gọi là Lữ Sơn với dải cát vàng uốn lượn ôm lấy biển, bao quanh là những rặng thông, rặng phi lao vi vu trong gió biển. Đã có người từng ví Bãi Lữ giống như một Đà Lạt trên biển.


Với diện tích gần 160ha, có núi, có rừng và có biển, du khách đến đây không những được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng mà còn được nghỉ ngơi, thư giãn tại Khu du lịch sinh thái biển Bãi Lữ với hệ thống cơ sở hạ tầng tiện nghi, bề thế, để rồi bao mệt mỏi trong cuộc sống thường ngày của du khách chẳng mấy chốc sẽ hòa cùng với sóng và gió biển.

Khu du lịch sinh thái biển Bãi Lữ do Công ty Cổ phần đầu tư Bãi Lữ xây dựng và đã bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008 với các dịch vụ sang trọng, thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế.


Tại đây có các công trình như: Khu khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 và 5 sao ở lưng chừng núi; khu resort cao cấp ven biển, hệ thống bãi tắm biển với 3 khu vực: khu tắm dành cho thiếu niên, khu tắm dành cho người lớn và khu tắm nghỉ dưỡng, thư giãn; khu nhà hàng ẩm thực với các món ăn Á, Âu nổi tiếng; phòng casino, phòng hội nghị, hội thảo; sân tập golf; khu nhạc nước; khu bể bơi; các trò chơi trên biển… Ngoài ra, Công ty còn tổ chức các tour tham quan khám phá Bãi Lữ và các điểm du lịch quanh khu vực cho du khách.

Du khách trong và ngoài nước có thể đến Bãi Lữ bằng đường không, đường sắt và đường bộ. Nếu đi bằng đường không, du khách có thể theo tuyến Sài Gòn - Vinh, Đà Nẵng - Vinh của Vietnam Airlines. Nếu đi bằng đường sắt, du khách có thể lên tàu thống nhất tuyến Hà Nội - Sài Gòn hoặc Sài Gòn - Hà Nội để xuống ga Vinh. Từ Tp. Vinh, dọc theo tuyến quốc lộ 1A khoảng 20km đường bộ về phía bắc, du khách sẽ đến Bãi Lữ.

13. Khu du tích lịch sử Kim Liên

Vị trí:Làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Khu di tích lịch sử Kim Liên là khu di tích tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thuộc vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, cách thành phố Vinh khoảng 15 km theo tỉnh lộ 49. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.

Dia diem tham quan o Nghe An_30Là địa danh gắn liền với nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê ngoại là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; nơi Hồ Chí Minh đã sống những năm 1901 - 1906 ở quê nội làng Kim Liên; khu mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh); núi Chung và nhiều di tích khác đã gắn liền với tuổi thơ của Hồ Chí Minh. Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là một trong những khu du lịch trọng điểm quốc gia và là một trong bốn khu di tích quan trọng bậc nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích Kim Liên là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình ông. Toàn bộ khu di tích bao gồm nhà tranh nhỏ của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan; ngôi nhà của ông bà ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà thờ chi họ Hoàng Xuân (thuộc cụm di tích Hoàng Trù); nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; giếng Cốc; lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý - thầy học khai tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm - ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích cây đa, sân vận động Làng Sen; khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thuộc cụm di tích Làng Sen); phần mộ bà Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy Đại Huệ và cụm di tích Núi Chung. Toàn khu di tích rộng trên 205 ha, các điểm và cụm di tích cách nhau 2 – 10 km.

Được đánh giá là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, khu di tích Kim Liên được Nhà nước Việt Nam đặc biệt chú trọng đầu tư trong nhiều năm qua. Hằng năm, khu di tích đón tiếp hàng triệu khách tham quan trong và ngoài nước tới viếng thăm.

Một số di tích tiêu biểu trong khu di tích Kim Liên:

Làng Kim Liên

Làng Kim Liên (tên Nôm là làng Sen), quê nội của Hồ Chí Minh, cách thành phố Vinh khoảng 12.5 km về phía Tây. Làng nằm ở gần núi Chung, cách núi Đại Huệ khoảng 3 km.

Mộ bà Hoàng Thị Loan

Khu mộ với trung tâm là ngôi mộ của bà Hoàng Thị Loan được xây dựng từ ngày 19 tháng 5 năm 1984 đến ngày 16 tháng 5 năm 1985. Nhìn tổng quát, ngôi mộ có hình một khung cửi khổng lồ. Xung quanh ngôi mộ được ốp bằng những phiến đá hoa cương và đá cẩm thạch. Nóc mộ được phủ lên bằng những hòn đá tự nhiên của núi Đại Huệ, phía trên có dàn bê tông che chắn có hình khung cửi được phủ đầy hoa giấy (được mang về trồng từ khu lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Cao Lãnh - Đồng Tháp). Tại nền sân thượng hình bán nguyệt trước ngôi mộ, có dựng một tấm bia lớn tạc tiểu sử và công lao của bà Hoàng Thị Loan bằng đá đen. Hai bên tả hữu là đường đi lên và đường đi xuống được làm thành nhiều bậc đá khác nhau giống như hai giải lụa đào xõa xuống từ khung cửi.


Từ chỗ chỉ đơn thuần là một ngôi mộ thì khu vực này đã được đầu tư xây dựng thành một khu tưởng niệm rộng lớn, liên kết với Khu di tích Kim Liên, khu lăng mộ Mai Hắc Đế tạo thành một quần thể di tích lịch sử. Từ ngày khánh thành đến nay, đã có hàng chục triệu lượt du khách trong và ngoài nước về đây thăm viếng tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn bà Hoàng Thị Loan.

Ngôi nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Là ngôi nhà lá 5 gian được dân làng Sen quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh dựng lên từ quỹ công của dân làng để mừng ông Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi ông đỗ phó bảng khoa thi Hội năm 1901. Trong ngôi nhà này cụ Sắc dành hai gian để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc với bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước trà xanh.

Các kỷ vật trong ngôi nhà hiện còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn: hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ Phó bảng và hai con trai, chiếc giường là của bà Thanh (tên hiệu Bạch Liên) con gái cụ, chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen.

Một số lễ hội đặc sắc ở Nghệ An

1. Hội đền Cờn

Thời gian: 19 - 21/1 âm lịch.

Địa điểm: Làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Đối tượng suy tôn: Đức Thánh Mẫu - tứ vị thánh Nương (nữ thần bảo vệ và phù hộ cho dân làm ăn thịnh vượng, giúp quân đội vượt biển bình an).

Đặc điểm: Trò chơi trận thủy chiến giả.



Đền Cờn là một trong bốn đền linh thiêng nhất Nghệ An (xây năm 1235 - đời nhà Trần), nằm sát cửa biển Lạch Cờn, giữa một vùng non nước hữu tình. Lễ hội đền Cờn mở đầu bằng những đoàn thuyền du xuân trang trí cờ hoa, trống chiêng âm  vang. Trò diễn trận thủy chiến giả gắn với truyền thuyết dựng đền, có quân xanh, quân đỏ giao chiến trên một giải núi non hiểm trở từ làng ói về đền Cờn. Trận giả ba năm tổ chức một lần. Trong đó có tục chạy ói là nét riêng của hội đền Cờn. Nhiều trò chơi dân gian: đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, chầu văn…. Kết thúc hội là lễ cầu yên, cầu tài, cầu lộc, lễ tạ ơn, bốc xăm, xem quẻ…

2. Hội đền Quả Sơn

Thời gian: 19 - 21/1 âm lịch.

Địa điểm: Xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Đối tượng suy tôn: Ủy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Đặc điểm: Lễ hội có tế thờ, rước 12 thuyền rồng lộng lẫy, đua thuyền.


3. Hội Hậu Luật

Thời gian: 5 - 6/1 âm lịch.

Địa điểm: Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Đối tượng suy tôn: Triệu Cơ (ông khai canh).

Đặc điểm: Lễ khai canh đầu năm.

4. Hội Hang Bua

Thời gian: 21 - 23/1 âm lịch.

Địa điểm: Xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

Đặc điểm: Hội vui xuân của người dân tộc.

Hang Bua là một thắng cảnh thiên nhiên nằm trong dẫy núi đá vôi với nhiều hình thù độc đáo gắn liền với truyền thuyết lịch sử. Vào ngày hội Hang Bua, đông đảo bà con nhiều dân tộc khác nhau từ các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông về dự hội lộng lẫy trong trang phục dân tộc mình. Những điệu múa nhảy sạp, ném còn, thổi khèn, bắn nỏ… thu hút rất đông người tham dự. Hàng năm Hang Bua còn tổ chức cuộc thi người đẹp vùng sơn cước.

5. Hội Quỳnh

Thời gian: 27/12 âm lịch.

Địa điểm: Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Đối tượng suy tôn: Tổ các dòng họ có công lập làng: Hồ, Nguyễn, Hoàng, Dương, Phan, Phạm.


Đặc điểm: Lễ rước thần về đình, tế lễ. Chơi cướp cầu giỏ, đấu vật, đánh đu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét